Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Hiện đại hóa vũ khí lực lượng đặc công

Hiện đại hóa vũ khí lực lượng đặc công
Cập nhật lúc :7:20 AM, 05/03/2012
Trong những năm qua, Binh chủng Đặc công được mua sắm, trang bị nhiều chủng loại khí tài mới phù hợp với yêu cầu chiến tranh hiện đại.
Mỗi loại hình nghệ thuật tác chiến có phương thức bảo đảm đặc thù. Tác chiến đặc công cần có vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp và đồng bộ. Quá trình ra đời và phát triển lực lượng Đặc công của quân đội ta luôn đòi hỏi sự sáng tạo, không ngừng nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa và phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với cách đánh và điều kiện bảo đảm trong từng giai đoạn cách mạng.

Những năm gần đây, nhiệm vụ của Binh chủng Đặc công có bước phát triển mới, nhu cầu bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật ngày càng đa dạng về chủng loại, đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao, sử dụng phù hợp với trình độ bộ đội và điều kiện tác chiến mới.

Ngành kỹ thuật Binh chủng Đặc công đã nghiên cứu khảo sát, quy hoạch hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật và cơ sở bảo đảm kỹ thuật hiện có, tham mưu đề xuất kế hoạch khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật có trong biên chế phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Trên cơ sở quy hoạch, phân loại tính năng kỹ thuật, chiến thuật các loại vũ khí trang bị kỹ thuật biên chế cho lực lượng Đặc công, ngành kỹ thuật tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ. Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công lựa chọn các chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật còn có tính năng ưu việt, khả năng sử dụng chiến đấu tốt để cải tiến, nâng cao và tạo ra những tính năng mới.

Điển hình là việc nghiên cứu thay thế nam châm Annico mìn M2-C1 bằng nam châm Ferit; thay thế dao cắt chốt chì của các loại ngòi hẹn giờ bằng thép không gỉ; nghiên cứu cải tiến cơ cấu chống tháo gỡ cho mìn MB2-79; cải tiến cơ cấu bám cho đặc công nước… Các sản phẩm sau khi cải tiến góp phần duy trì, nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật, độ tin cậy, uy lực và hiệu suất chiến đấu.

Ngành Kỹ thuật Binh chủng Đặc công chú trọng nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào khai thác, huấn luyện làm chủ và nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại.
Cán bộ Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công kiểm tra các sản phẩm khoa học-công nghệ mới nghiên cứu, chế tạo.
Hơn 10 năm trở lại đây, Binh chủng Đặc công được mua sắm, đưa vào trang bị nhiều chủng loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại phục vụ tác chiến của đặc công bộ, đặc công nước, người nhái, biệt động và các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt khác. Để làm chủ, khai thác hết tính năng và duy trì, nâng cao hệ số kỹ thuật các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, ngành tập trung nghiên cứu công nghệ bảo quản, cất giữ; nghiên cứu chế tạo các loại vật tư, phụ tùng thay thế, phục vụ bảo đảm kỹ thuật.

Nhiều đề tài, giải pháp kỹ thuật được Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công triển khai, tạo ra các sản phẩm đưa vào ứng dụng. Nổi bật là đề tài nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị bảo quản khí tài quang học dùng cho đặc công TUKT-08. Thiết bị TUKT-08 cất chứa bảo quản được tất cả các loại khí tài quang học có trong biên chế, như ống nhòm, ống nhòm nhìn đêm, các loại kính ngắm bắn ban đêm, đèn tác chiến ngày-đêm…

Đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị hiệu chỉnh kính MARS lắp trên súng Micro UZI bằng la-de đã giải quyết bài toán đồng bộ, nâng cao hiệu suất khai thác và hiệu quả chiến đấu của súng. Hầu hết các đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị, vật tư đều có sản phẩm cụ thể, đưa vào ứng dụng hiệu quả.

Phát huy cách đánh sở trường và nghệ thuật tác chiến độc đáo, ngành kỹ thuật Binh chủng Đặc công nghiên cứu chế tạo các loại trang thiết bị, công cụ cầm tay tính năng cao. Sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu như sào đẩy, sào móc, cơ cấu bám, mìn phá khóa, các loại áo mang đeo trang bị, phao 5 lá, túi bao gói kín nước…, từng bước giải quyết khó khăn về trang bị cho lực lượng đặc công, nhất là đặc công nước, đặc công làm nhiệm vụ đặc thù, đồng thời đáp ứng phương thức tác chiến mới của Bộ đội Đặc công.

Để có vũ khí trang bị kỹ thuật mới cần phải lựa chọn nguyên lý, kết cấu, giải pháp công nghệ mới, sản phẩm tạo ra có tính năng hiện đại, hoạt động tin cậy, uy lực và hiệu suất chiến đấu cao. Cùng với khảo sát, lựa chọn vũ khí trang bị kỹ thuật tính năng tiên tiến nước ngoài để tổ chức thiết kế theo mẫu, lực lượng kỹ thuật Đặc công còn độc lập nghiên cứu vũ khí trang bị kỹ thuật mang tính chuyên biệt, đặc thù.

Các đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm NL-ĐK-07, MB-N7 đang triển khai áp dụng thử nghiệm, khẳng định tính ưu việt hơn hẳn so với các loại vũ khí có tính năng tương đương do nước ngoài sản xuất. Thời gian tới, việc nghiên cứu chế tạo vũ khí mới; vật liệu phục vụ trong lĩnh vực ngụy trang, tàng hình; khí tài quan sát, tác chiến đêm; phương tiện bảo đảm cơ động phục vụ tác chiến trên các loại địa hình, đặc biệt là biển đảo; thiết bị thông tin liên lạc, định vị, dẫn đường… được ngành kỹ thuật Đặc công phối hợp với các cơ sở nghiên cứu trong nước định hướng, xây dựng và triển khai thực hiện.

Nỗ lực nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa và phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với cách đánh, điều kiện tác chiến mới góp phần nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo đảm cho Bộ đội Đặc công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

S-300 Việt Nam tham gia diễn tập

S-300 Việt Nam tham gia diễn tập
Cập nhật lúc :8:09 AM, 05/12/2011
Đầu tháng 12, tại trường bắn TB1, Quân chủng PKKQ tổ chức huấn luyện bắn đạn thật với sự tham gia của nhiều đơn vị pháo, tên lửa phòng không hiện đại.
Trong các ngày từ ngày 1 đến 5/12, tại Trường bắn TB1, Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức diễn tập bắn đạn thật phòng không, kiểm tra kết quả huấn luyện năm 2011 cho các đơn vị tên lửa, pháo phòng không, tên lửa tầm thấp và ZSU-23-4, bắn nghiệm thu khí tài tên lửa S125-2TM.

Đặc biệt, các khẩu đội của Đoàn tên lửa phòng không S-300 cũng tham gia luyện tập bắt mục tiêu trong đợt diễn tập này.

>> Clip S-300 Việt Nam diễn tập

Khắc phục những khó khăn về điều kiện ăn ở dã ngoại và khó khăn về thời tiết, các đơn vị đã nêu cao tinh thần quyết tâm, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí được đưa vào diễn tập, tiêu diệt tốt mục tiêu trong điều kiện thời gian cho phép.

Dưới đây là một số hình ảnh huấn luyện bắn đạn thật ở TB1:
Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra, động viên các thành phần tham gia diễn tập.
Một góc trận địa.
Nạp đạn tên lửa phòng không S-125.
Kiểm tra quá trình tên lửa được đưa vào bệ.
Đúng 8h ngày 4/12, cuộc diễn tập bắn đạn thật năm 2011 của Quân chủng PK-KQ bắt đầu. "Rồng lửa Thăng Long" S-75 rời bệ phóng, hướng về phía mục tiêu.
Đạn tên lửa S-125 cũng bay vút lên bầu trời lập công.
Cùng với tên lửa, các khẩu đội pháo cao xạ 57mm...
...và pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 (bốn pháo cỡ 23mm) cũng quyết tâm tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu.
Niềm vui của chiến sĩ PK-KQ bên mục tiêu bị tiêu diệt.

Bộ đội tên lửa S-300 huấn luyện chiến đấu

Bộ đội tên lửa S-300 huấn luyện chiến đấu
Cập nhật lúc :2:41 PM, 05/01/2012
Đoàn phòng không 64 là đơn vị được trang bị một trong những hệ thống tên lửa đối không hiện đại trên thế giới S-300PMU-1.
(ĐVO) Trong đợt diễn tập bắn đạn thật tại trường bắn TB1, đoàn tên lửa phòng không 64 (sư đoàn 361) tham gia luyện tập bắn mục tiêu. Do đây là lần đầu tiên hành quân cơ động khí tài hiện đại đi xa nên Đoàn 64 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) và Sư đoàn Phòng không Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Quang Tuyến - Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội là người trực tiếp bám sát theo dõi và chỉ đạo quá trình thu hồi, cơ động và triển khai khí tài của Đoàn 64.

Đúng vào thời điểm Đoàn 64 tổ chức diễn tập thì thời tiết miền Bắc thay đổi, Hà Nội sau những ngày nắng ấm bỗng chuyển sang se lạnh kéo theo mưa lay phay. Cuộc hành quân bắt đầu, xuất phát từ Đoàn 64 cắt qua phía nam Hà Nội để đến Trận địa TB-1.

Ở nhiều điểm chốt giao thông quan trọng lực lượng cảnh sát giao thông đã thức cùng cán bộ, chiến sỹ Đoàn 64 để phân luồng cho đoàn xe lưu thông thuận lợi nhất. Đến gần sáng Đoàn cơ động đến được điểm tập kết an toàn, đúng kế hoạch đã đề ra. Sau khi làm công tác chuẩn bị và triển khai Đoàn đã nhanh chóng đưa khí tài thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi ổn định đội hình, vị trí chiến đấu, song song với việc lực lượng phòng không thực hành bắn đạn thật, Đoàn 64 cũng tổ chức bắt các mục tiêu M - 100CT, M - 96CT và thực hành bắn mục tiêu bằng tên lửa điện tử.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Văn - Đoàn trưởng Đoàn 64 cho biết: “Vinh dự là đơn vị được trang bị vũ khí phòng không hiện đại, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 64 đã không ngừng phấn đấu, từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ khí tài, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Quang Tuyến Tư lệnh Sư đoàn Phòng không Hà Nội cho biết: “Đây là đợt diễn tập lớn nhất của Đoàn Tên lửa 64 từ trước tới nay, là dịp để chúng tôi đánh giá trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng cơ động, thực hành đội ngũ chiến thuật, tổ chức chỉ huy, bảo đảm chiến đấu của Đoàn 64. Đồng thời, nâng cao chất lượng huấn luyện sát thực tế chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đoàn trong tình hình mới”.

Dưới đây là một số hình ảnh huấn luyện chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đoàn tên lửa 64:
Tiểu đoàn tên lửa phòng không 64 (sư đoàn 361) là đơn vị được trang bị một trong những hệ thống tên lửa phòng không rất hiện đại trên thế giới.
Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 64 chuẩn bị thực hành chiến đấu.
Các thao tác được thực hiện một cách thuần thục, nhanh gọn.
Xe gắp ống phóng bảo quản đạn.
Mỗi xe mang phóng chở 4 quả đạn tên lửa.
Một tiểu đoàn thường biên chế 12 xe phóng.
Các xe mang phóng S-300PMU1 có khả năng mang các loại đạn tên lửa 48N6E (tầm bắn 150km), 5V55R (tầm bắn 90km) và 5V55K (tầm bắn 47km).
Bộ đội tên lửa diễn tập cơ động trong đêm.
Khí tài của hệ thống S-300 di chuyển trên Đại lộ Thăng Long.
Đài radar điều khiển hỏa lực và chỉ thị mục tiêu đa kênh 30N6E1.
Đài radar nhìn vòng 96L6E.
Các phương tiện khí tài phục vụ chiến đấu.
Trong phòng điển khiển hệ thống S-300.
Trong đợt diễn tập bắn đạn thật TB1, bộ đội tên lửa S-300 tham gia thực hành bắt mục tiêu.

Một số hình ảnh về Không quân Nhân dân Việt Nam

Một số hình ảnh về Không quân Nhân dân Việt Nam
Cập nhật lúc :6:00 AM, 22/12/2010
Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam và chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Đất Việt xin giới thiệu một số hình ảnh về lực luợng không quân Việt Nam.
Từ đơn vị đầu tiên là đoàn Sao Đỏ, thành lập từ năm 1963, đến nay Không quân Nhân dân Việt Nam không ngừng phát triển, xây dựng trở thành lực lượng vững mạnh, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Dưới đây là một số hình ảnh về lực lượng không quân Việt Nam hiện nay (Ảnh do Bảo tàng Phòng không - Không quân cung cấp

Trực tiếp đối mặt với kẻ thù trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, cùng với các lực luợng phòng không khác, phi công chiến đấu và những chiếc MiG-21 đã lập nên kỳ tích, đánh bại uy thế Không lực Mỹ, lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
Đến nay, MiG-21 vẫn là máy bay chiến đấu chủ yếu có mặt trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam.
Từ những năm 1980, lực luợng không quân được nhận một số máy bay mới, tiêu biểu là tiêm kích - bom Su-22M.
Đến nay, tuy không phải là loại máy bay hiện đại nhất nhưng sự có mặt của những chiếc Su-22M vẫn ngày đêm góp phần đảm bảo an ninh vùng trời của Tổ Quốc. Trong ảnh, Phi công lái máy bay Su-22M trao đổi sau giờ tập.
Bên cạnh các máy bay phản lực chiến đấu, không quân Việt Nam còn được biên chế nhiều loại máy bay trực thăng. Trong ảnh, Ka-32T là máy bay trực thăng chiến đấu, trang bị rocket UB-20 và tên lửa chống tăng AT-6.
Trực thăng vận tải Mi-17 trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam. Đây là loại trực thăng vận tải nhưng có thể vũ trang khi cần thiết.


Các biên đội trực thăng thuộc Không quân Nhân dân Việt Nam không chỉ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, mà còn tham gia nhiệm vụ cứu hộ nhân dân ở các vùng thiên tai.
Được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đội ngũ phi công chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam trưởng thành về số lượng và chất lượng.
Không chỉ sử dụng hiệu quả các vũ khí, khí tài biên chế trong lực luợng, phi công chiến đấu Việt Nam còn sáng tạo, mưu trí nhanh chóng nắm bắt các phương tiện chiến đấu thu được của đối phương, học tập chuyển loại trong thời gian ngắn. Ảnh minh họa
Trong xu hướng chung hiện đại hóa quân đội của các nước trong khu vực và trên thế giới, Không quân Nhân dân Việt Nam nhận được sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước, không ngừng xây dựng lực lượng hiện đại, đủ mạnh để bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Tổ quốc.

Tạp chí nước ngoài viết về lịch sử không quân VN

Tạp chí nước ngoài viết về lịch sử không quân VN
Cập nhật lúc :8:40 AM, 19/03/2012
Không quân Nhân dân Việt Nam là một bộ phận của Quân chủng PKKQ, trực thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời tổ quốc Việt Nam.
(ĐVO) Tạp chí Airforce Monthly đã có bài viết về sự hình thành và phát triển của Không quân Nhân dân Việt Nam, chủ yếu tập trung vào trang bị chiến đấu cơ qua các thời kỳ.

Sau đây, Đất Việt xin giới thiệu nội dung bài viết:

Ra đời và phát triển

Hình thành

Ngày 3/3/1955, Bộ Quốc phòng ký quyết định số 15/QDA thành lập Ban nghiên cứu sân bay do đồng chí Đặng Tính phụ trách, nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng.

Để chuẩn bị đội ngũ xây dựng lực lượng, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng bắt đầu lựa chọn, gửi học sinh ra nước ngoài đào tạo chuẩn bị sự thành lập của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Tháng 3/1956, đợt đầu gồm 110 người đi ra nước ngoài. Trong đó, một nhóm gồm 50 người do đồng chí Phạm Dưng phụ trách cử đi học lái tiêm kích MiG-17.

Nhóm còn lại (60 người) chia làm hai: một nhóm do đồng chí Phạm Đình Cương phụ trách đi học lái máy bay vận tải Ilyushhin Il-14 và Li-2 ở Liên Xô; nhóm còn lại do đồng chí Đào Đình Luyện chỉ huy học lái máy bay ném bom hạng nhẹ Tu-2 ở Học viện Không quân số 2 (Trường Xuân, Trung Quốc).

Sau này, đồng chí Phạm Dưng được giao nhiệm vụ phụ trách nhóm huấn luyện máy bay Li-2 và trực thăng Mi-4, đoàn tiêm kích MiG-17 giao lại cho đồng chí Đào Đình Luyện.
Tiêm kích MiG-17 là chiến đấu cơ đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam.

>> Gặp phi công đầu tiên bắn rơi máy bay phản lực Mỹ
Ngoài chương trình đào tạo phi công, đội ngũ kỹ thuật, bảo dưỡng, dẫn đường bắt đầu tham gia khóa huấn luyện do nước bạn tổ chức.

Ngày 21/3/1958, Bộ Quốc phòng ký quyết định số 047/ND thành lập Bộ tư lệnh Không quân. Ngày 24/1/1959 thành lập Cục Không quân dựa trên Ban nghiên cứu sân bay và cục hàng không dân dụng do đồng chí Đặng Tính làm cục trưởng.

Ngày 1/5/1959, Trung đoàn Không quân vận tải đầu tiên 919 chính thức thành lập tại sân bay Gia Lâm. Trang bị chủ yếu của đoàn bay lúc đó gồm: vận tải cơ Li-2, Il-14, An-2.

Ngày 22/10/1963, Cục Không quân sát nhập Bộ tư lệnh Phòng không thành Quân chủng Phòng không – Không quân. Lực lượng khi đó của không quân gồm: trung đoàn vận tải 919 và đoàn bay huấn luyện 910.

Đơn vị máy bay chiến đấu đầu tiên của không quân là trung đoàn tiêm kích 921 (Sao Đỏ) được thành lập ngày 30/5/1963. Đơn vị được trang bị 33 máy bay tiêm kích MiG-17 và 3 máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-15UTI. Lúc này, đội ngũ và phi công đơn vị vẫn đang huấn luyện ở Mông Tự, Trung Quốc.

Thời kỳ mở rộng

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 6/8/1964, phi công và máy bay của 921 di chuyển về nước chuẩn bị cho cuộc chiến tranh gay go ác liệt phía trước.

Giai đoạn đầu, Không quân Việt Nam chủ yếu sử dụng tiêm kích MiG-17 đánh chặn lạc hậu hơn nhiều so với máy bay Mỹ. Phải tới cuối năm 1965 Liên Xô bắt đầu viện trợ tiêm kích mạnh hơn MiG-21F-13 cho Việt Nam. Những năm tiếp theo, Việt Nam còn nhận thêm các biến thể MiG-21PF/PFM/MF.

Cùng với việc trang bị thêm máy bay, các đơn vị chiến đấu được mở rộng. Ngày 4/8/1965, Trung đoàn không quân tiêm kích 923 (đoàn Yên Thế) thành lập được trang bị máy bay MiG-17.

Ngày 24/3/1967, Quân chủng Phòng không – Không quân quyết định thành lập sư đoàn 371 với đội hình ba trung đoàn: tiêm kích 921/923 và vận tải 919.
Tiêm kích đánh chặn MiG-21PFM trong những năm tháng kháng chiến chống Đế quốc Mỹ.

>> AH Lê Thanh Đạo kể chuyện diệt F-4
Năm 1966, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam một số tiêm kích J-6 nhưng mãi tới năm 1969, số máy bay này mới về tới Việt Nam. Với số J-6 này, Việt Nam thành lập trung đoàn tiêm kích 925.

Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ (1964 – 1972), Không quân Nhân dân Việt Nam dù chỉ được trang bị hai loại tiêm kích chủ lực MiG-17, MiG-21 những đã giành hàng trăm chiến thắng trong trận đánh không đối không với Không quân, Hải quân Mỹ trang bị nhiều chủng loại máy bay hiện đại.

Đặc biệt, Không quân Nhân dân Việt Nam lập nên kỳ tích được cả thế giới ngưỡng mộ, thán phục khi ba lần hạ “đo ván” siêu pháo đài bay B52 – niềm tự hào Không quân Mỹ thời điểm đó.

Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được không ít khí tài, trang bị của quân VNCH trong tình trạng tốt, có thể sử dụng được ngay.

Riêng số máy bay thu giữ được lên tới hàng trăm chiếc gồm: tiêm kích F-5, cường kích A-37, vận tải cơ C-130/C-119/C-47, trực thăng UH-1/CH-47, trinh sát cơ...
Với các “chiến lợi phẩm” này, trong năm 1975 Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập trung đoàn máy bay chiến đấu 935, 937 và trung đoàn trực thăng 917, 918 sử dụng máy bay thu giữ của VNCH. Cũng trong năm này, hai sư đoàn không quân mới 372/370 cùng lúc được thành lập.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng, hai sư đoàn 372/370 trang bị kiểu máy bay thu được của VNCH đã tham gia hỗ trợ tích cực hỏa lực mặt đất, tiêu diệt hàng nghìn tên Khơ Me đỏ cùng phương tiện cơ giới.

Hiện đại hóa và tiến thẳng lên hiện đại

Cuối những năm 1980, do thiếu phụ tùng linh kiện thay thế, các chiến đấu cơ, vận tải cơ, trực thăng thu được từ VNCH lần lượt ngừng hoạt động. Ngoài ra, Không quân Nhân dân Việt Nam đứng trước một thực tế, vũ khí trang bị do Liên Xô viện trợ (tiêm kích MiG-21, cường kích Su-22) đã lỗi thời, lạc hậu.

Trước tình hình đó, dù ngân sách quốc phòng hạn hẹp nhưng Việt Nam cố gắng nỗ lực từng bước thực hiện hiện đại hóa một phần vũ khí trang bị cho không quân, tăng cường sức chiến đấu bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Giai đoạn năm 1994-1995, Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga mua 12 chiến đấu cơ Sukhoi Su-27. Trong đó, gồm 7 chiếc biến thể chiến đấu Su-27SK và 5 biến thể huấn luyện chiến đấu Su-27UBK. Tuy nhiên, phía Nga trong chuyến bay vận chuyển 2 Su-27UBK bị tai nạn, nên họ đã đền lại 2 chiếc chiến đấu cơ Su-27PU (biến thể đời đầu Su-30).

Tiếp đến, năm 2004, Việt Nam ký hợp đồng mua 4 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2V từ Nga. Đây là loại chiến đấu cơ hiện đại, có khả năng thực hiệm nhiệm vụ tấn công tiêu diệt mục tiêu trên không, trên mặt đất, trên biển. Vào thời điểm đó, Su-30MK2V là loại máy bay hiện đại nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Năm 2009, Việt Nam thỏa thuận với Nga mua 8 Su-30MK2V. Đầu năm 2010, Việt Nam ký tiếp hợp đồng mua 12 Su-30MK2V. Dự kiến, quá trình chuyển giao hoàn tất trong giai đoạn 2011-2012.

Bên cạnh việc mua sắm chiến đấu cơ thế hệ mới, trong điều kiện ngân sách chưa đủ khả năng để thay thế một cách nhanh chóng, toàn bộ máy bay thế hệ cũ. Việt Nam đã hợp tác với Ấn Độ hiện đại hóa tiêm kích đánh chặn MiG-21bis lên tiêu chuẩn Bison – gói nâng cấp cuối cùng đối với dòng tiêm kích huyền thoại này.

Đối với cường kích cánh cụp – cánh xòe Su-22. Những năm 1980, Việt Nam được Liên Xô viện trợ một số biến thể Su-22M, đưa vào biên chế trung đoàn 923 (đóng tại sân bay Sao Vàng, Thanh Hóa).

Đầu những năm 1990, Việt Nam mua thêm các biến thể Su-22M3/UM3/M4 từ một số nước ở khu vực Đông Âu. Đặc biệt, Su-22M4 là biến thể được nâng cấp mạnh, trang bị nhiều khí tài điện tử thế hệ mới. Nó có khả năng mang tên lửa – bom có điều khiển.

>> Ấn Độ giúp Việt Nam nâng cấp MiG-21
>> 'Ngựa chiến' già nua MiG-21 và chương trình hiện đại hóa
>> Tìm hiểu 'cánh cụp, cánh xòe' Su-22

Huấn luyện phi công

Trở thành người phi công Không quân Nhân dân Việt Nam là ước mơ của hàng triệu thanh niên Việt Nam. Nhưng con đường đi không hề dễ, mỗi năm có khoảng 3.000 thí sinh đăng ký dự tuyển phi công lái máy bay quân sự. Tất cả phải trải qua vòng kiểm tra ngặt nghèo gồm:

- Vòng 1: khám về ngoại hình, chiều cao, cân nặng...
- Vòng 2: kiểm tra 12 bộ dây thần kinh, các loại chuyên khoa nội, ngoại, chụp, chiếu, soi…thí sinh phải ngồi ghế quay kiểm tra chức năng tiền đình. Tiếp đó, thí sinh ngồi buồng khí áp trong môi trường thiếu oxy giống như trên độ cao 300-500m.

Thông thường, chỉ khoảng 1/20 số thí sinh đăng ký vượt qua được yêu cầu trên để dự thi vào trường sĩ quan không quân. Sau đó, chỉ còn 1/3 vượt qua vòng thi chính thức thành học viên trường sĩ quan.
Máy bay huấn luyện chiến đấu L-39. Ảnh: Bùi Tuấn Khiêm

>> Nơi đào tạo những cánh bay tương lai
Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên con đường đầy thử thách, trong trường học viên học 2 năm đầu lý thuyết, chính trị, rèn luyện thể lực đặc biệt. 3 năm còn lại, học viên bắt đầu tập bay từ đơn giản tới phức tạp.

Ban đầu, học viên bay huấn luyện cơ bản tại trung đoàn 920 (đoàn Cam Ranh), trang bị 18 máy bay cánh quạt Yak-52 và 10 chiếc Aerostar S A lak-52 (theo một số nguồn tin thì Việt Nam được Romania tặng năm 2009).

Nếu hoàn thành tốt khóa học này, học viên sẽ chuyển sang bay huấn luyện nâng cao tại trung đoàn 910 trang bị các máy bay phản lực Aero L-39. Vượt qua hai giai đoạn huấn luyện này, học viên sẽ tốt nghiệp và chuyển tới đơn vị chiến đấu, vận tải phù hợp. Tại đó, phi công trẻ phải trải qua huấn luyện để bay trên các máy bay khác.

SIPRI liệt kê số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu

SIPRI liệt kê số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu
Cập nhật lúc :3:10 PM, 22/03/2012
Ngày 19/3/2012, SIPRI (Thụy Điển) đã công bố dữ liệu về thị trường vũ khí và trang thiết bị quân sự Việt Nam, giai đoạn 2007-2011.
(ĐVO) SIPRI - Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm

Trong dữ liệu công bố của SIPRI cũng đã đề cập chi tiết về các dự án mua sắm và bàn giao các trang thiết bị quân sự giữa Việt Nam và những nước đối tác, trong đó, tập chung chủ yếu là việc cung cấp các loại vũ khí tiên tiến từ Nga.

Ngoài nhập khẩu vũ khí từ Nga, Romania, Ukraina và Canada cũng là những bạn hàng được SIPRI đề cập cụ thể đến các thời điểm mua bán và cung cấp vũ khí cho Việt Nam.

Dưới đây là bản báo cáo chi tiết được SIPRI cung cấp:

Không quân

Trong năm 2010, Việt Nam đã ký kết với Canada một hợp đồng mua 6 thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter (biến thể Việt Nam đặt mua là DHC-6-400). Dự kiến những máy bay đầu tiên loại này sẽ được bàn giao cho Việt Nam từ năm 2012 và sẽ hoàn thành giao đủ 6 máy bay đến năm 2014 (>> chi tiết).

Năm 2008, Việt Nam đã đặt mua của Romania 10 máy bay huấn luyện Yak-52. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2011, nước bạn đã bàn giao đủ cho Không quân Việt Nam 10 chiếc Yak-52 theo hợp đồng.

Trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân, năm 2009, Việt Nam đã đặt mua của Nga 8 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK/Flanker (biến thể Việt Nam đặt hàng là Su-30MK2V được tăng cường khả năng đánh biển) với giá trị từ 400-500 triệu USD, Nga đã hoàn thành bàn giao cho Việt Nam 8 máy bay này trong giai đoạn năm 2010-2011.

Tiếp tục tăng cường sức mạnh cho không quân, năm 2010 Việt Nam đặt mua thêm 12 chiến đấu cơ Su-30MK2V với giá trị 1 tỷ USD, trong số 12 máy bay của hợp đồng này, Nga đã bàn giao 8 máy bay cho Việt Nam trong năm 2011, 4 máy bay Su-30MK2V còn lại dự kiến sẽ được bàn giao nốt trong năm 2012.

Chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2V.

>> Su-30MK2 Việt Nam trên mạng nước ngoài
>> 'Su-30 mới của Việt Nam hiện đại nhất châu Á'
>> Cận cảnh những chiếc Su-30MK2 mới nhất của Việt Nam

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, hồi đầu 3/2012 vừa qua, một chiếc Su-30MK2V Nga sản xuất cho Việt Nam, trong quá trình bay thử nghiệm để chuẩn bị bàn giao đã bị rơi (>> chi tiết).

Một số nguồn tin Nga cho rằng, có khả năng công ty Sukhoi sẽ tiếp tục lắp ráp thêm 1 chiếc Su-30MK2V để giao đủ 4 máy bay còn lại cho Việt Nam mà không vi phạm thời hạn bàn giao trong hợp đồng.

Năm 2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 40 quả tên lửa không đối hạm Kh-31A1 trong tổng số 80 qủa đã đặt hàng từ năm 2009. SIPRI lưu ý rằng, số tên lửa này bao gồm cả biến thể tên lửa chống radar Kh-31P, và sẽ được trang bị trên các chiến đấu cơ Su-30MK2V.

Năm 2010-2011, Việt Nam đã nhận được 150 quả tên lửa không đối không tiên tiến R-73 (AA-11 Archer) trong tổng số 250 quả tên lửa loại này được đặt hàng từ năm 2009. Số tên lửa R-73 cũng dùng để trang bị trên các máy bay Su-30MK2V.

>> R-73, tên lửa không đối không số 1 của Nga

Giai đoạn 2009-2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 100 quả bom có điều khiển KAB-500/1500, trong tổng số 200 quả đã đặt hàng từ năm 2009.

Phòng không

Năm 1996, Việt Nam đã đặt mua của Nga 400 tên lửa phòng không vác vai di động Igla-l (SA-16 Gimlet), trong số 400 tên lửa này đã có 340 tên lửa được Nga bàn giao cho Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1999-2011.

Cũng theo SPIRI, biến thể tên lửa hải đối không Igla (định danh NATO là SA-N-10) mà Việt Nam đặt mua sẽ được lắp đặt trên các chiến hạm BPS-500 (Ho-A), tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) và có thể cả tàu tên lửa Project 1241.1.

Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua của Ukraine 4 hệ thống radar thụ động Kolchuga với tổng trị giá 54 triệu USD, thời điểm và thời hạn bàn giao chưa được SIPRI xác định. Tuy nhiên, một số nguồn tin nước ngoài cho biết Việt Nam đã nhận đủ 4 hệ thống radar này.

Hải quân

Giai đoạn năm 2008-2011, Việt Nam đã nhận được 83 tên lửa chống tàu Kh-35 Uran (SS-N-25) trong hợp đồng đặt hàng 400 tên lửa loại này từ năm 2004, tên lửa Kh-35 sẽ được trang bị và dự trữ cho hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 và các tàu tên lửa project 1241.8 của Hải quân Việt Nam (>> chi tiết).

>> Việt - Nga hợp tác phát triển tên lửa hành trình
>> Xem sức mạnh Uran-E trang bị cho Việt Nam

Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam đã nhận được hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P (mỗi hệ thống trang bị 36 tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont) trong đơn đặt hàng được ký trước đó trong năm 2007 (>> chi tiết).

Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam đã nhận được đủ 40 tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont trong hợp đồng đặt mua 40 tên lửa loại này (trị giá 300 triệu USD) được ký kết trong năm 2007, số đạn tên lửa này sẽ dự trữ cho hai hệ thống Bastion-P mà Hải quân Việt Nam đang sử dụng.

>> Việt Nam đàm phán mua thêm 2 tổ hợp Bastion
>> Sự nguy hiểm của Yakhont và chiến thuật bầy sói

Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua 40 tên lửa chống tàu 3M-54 Klub (SS-N-27) để dự định trang bị trên 6 tàu ngầm lớp Kilo 636. Các tàu ngầm Kilo do Việt Nam đặt mua từ năm 2009 với trị giá từ 1,8-2,1 tỷ USD đang được đóng tại Nga và dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2014 - 2016/2017 (>> chi tiết).

Hai tàu hộ vệ tên lửa hiện đại Gepard 3.9 Việt Nam nhận năm 2011.

Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu tên lửa Project 1241.8 trong hợp đồng ký kết đóng 10 tàu loại này vào năm 2008, trong đó có 8 tàu được đóng tại Việt Nam theo giấy phép và dưới sự giám sát kỹ thuật của các kỹ sư Nga. Dự kiến 8 tàu Việt Nam tự đóng sẽ được hoàn thành đến năm 2016 (>> chi tiết).

Năm 2008, Việt Nam đã nhận được 4 động cơ tuốc bin khí DR-76 và 4 động cơ DR-77 trong hợp đồng mua 40 động cơ (mỗi loại 20 động cơ) được ký kết với Ukraina năm 2004, số động cơ này sẽ được lắp trên các tàu tên lửa Project 1241. Ngoài ra, năm 2011, Việt Nam đã nhận đủ 4 động cơ turbine gas DT-59 từ Ukraina để lắp trên 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên tại Nga.

Năm 2011, Việt Nam tiếp tục ký kết hợp đồng mua thêm 4 động cơ DT-59 để tiếp tục đóng thêm 2 chiến hạm lớp Gepard tại Nga (thuộc hợp đồng đóng thêm 2 tàu Gepard mới). Dự kiến, sau khi Nga tiếp tục hoàn thành đóng xong hai chiến hạm lớp Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư cho Việt Nam, có khả năng dây chuyền sản xuất tàu lớp này sẽ được chuyển giao để Việt Nam có thể tự chủ chế tạo tàu chiến hiện đại trong tương lai (>> chi tiết).

Giai đoạn năm 2011 - 2012, Việt Nam đã nhận được hai tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) trong hợp đồng đặt mua 4 tàu loại này được ký kết năm 2007 (>> chi tiết).

Với số lượng chủng loại vũ khí Việt Nam nhận được trong giai đoạn 2007 - 2011 do SIPRI thống kê, có thể nói tiềm lực quân sự Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong thời gian sắp tới, với việc tiếp tục nhận thêm các loại vũ khí chưa hoàn thành bàn giao và mới ký kết hợp đồng, năng lực tác chiến của Hải, Lục, Không quân Việt Nam sẽ được nâng lên gấp bội.

Việt Nam nhận tên lửa hiện đại của Nga với số lượng lớn

Việt Nam nhận tên lửa hiện đại của Nga với số lượng lớn
Cập nhật lúc :2:09 PM, 29/03/2012
Trong năm 2011 và 2012, Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật Nga sẽ thực hiện hợp đồng "Vietnam-15" trị giá 31,83 triệu USD.
(ĐVO) Theo đó, tập đoàn sẽ cung cấp linh kiện khí tài và công nghệ nâng cấp tên lửa hàng không tự dẫn truyền hình Kh-29T và dẫn lade bán chủ động Kh-29L lên chuẩn Kh-29TE cho Việt Nam.

Thông tin trên được đề cập trong Báo cáo hoạt động của Tập đoàn này, mới được công bố gần đây.

Trong đó cũng nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ là khách hàng quan trọng mà đã trở thành đối tác tin cậy, khi hai bên đã ký kết những dự án hợp tác chung, tiêu biểu nhất là Chương trình hợp tác trong lĩnh vực phát triển và sản xuất tổ hợp tên lửa tàu chiến Uran-EV.

Theo báo cáo, Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật đã ký kết với đối tác Việt Nam 6 hợp đồng thương mại với các số hiệu Vietnam-7, Vietnam-9, Vietnam-10, Vietnam-11, Vietnam-12 và Vietnam-15.

Trước đó, Tập đoàn này đã thực hiện hợp đồng ký năm 2010 với Việt Nam về cung cấp các bộ phận linh kiện để nâng cấp tên lửa Kh-29T và Kh-29L lên chuẩn Kh-29TE với giá trị 570.000 USD.

Theo báo cáo của Tập đoàn này, trong năm 2009 Việt Nam đã nhận lô hàng tên lửa huấn luyện 3M-24EMB trị giá 2,359 triệu USD.

Ngoài ra, Việt Nam đã đặt hàng tên lửa 3M-24E trị giá 23,4 triệu USD.

Theo báo cáo của Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật, năm 2011 là thời hạn bàn giao cho Việt Nam lô hàng tên lửa Kh-31A trị giá 49,65 triệu USD. Loại tên lửa này được thiết kế cho máy bay Su-30MK2 của Việt Nam.

Ngoài ra, Tập đoàn này cũng đang thực hiện các hợp đồng trị giá hơn 105 triệu USD cho đối tác Việt Nam với thời hạn bàn giao đến năm 2014. Trong đó, tính riêng các năm 2013-2014 sẽ bàn giao gói hợp đồng trị giá 98 triệu USD.

Báo cáo của Tập đoàn cũng cho biết, năm 2011 họ thực hiện bàn giao cho Việt Nam lô hàng bom KAB trị giá 11,17 triệu USD.

Cũng trong năm 2011, Việt Nam đã được bàn giao gói hợp đồng trị giá 89,17 triệu USD về cung cấp tổ hợp phương tiện chế áp hàng không ASP.
Việt Nam chi hàng chục triệu USD để mua tên lửa hiện đại của Nga.
Báo cáo cũng đề cập đến Chương trình hợp tác trong lĩnh vực phát triển và sản xuất tổ hợp tên lửa tàu chiến Uran-EV với tên lửa chống tàu Kh35-EV.

Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng đối với Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và thương mại quân sự. Các sản phẩm vũ khí Nga luôn là ưu tiên đối với Việt Nam.

Các dòng tên lửa Kh-31 (tên lửa siêu âm hàng không), Kh-35 (tên lửa hành trình chống tàu tầm thấp) của Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật đã được biết đến rộng khắp trên thế giới.

Những loại tên lửa này có thể giải quyết các nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu trong một cuộc tấn công với mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày và ban đêm, có khả năng vượt qua các hành động chống trả của đối phương bằng radar cũng như bằng các vũ khí phòng thủ khác.